Theo bài viết của Vũ Hữu Sự
Tạ Thâm được gọi là “Vua đàn”, là người làm giàu cho nền nhạc khí dân tộc của Việt Nam, là “Tỷ phú âm thanh”. Đó là một nhà nghiên cứu, cải tiến nhạc khí dân tộc có tầm cỡ. Có tâm, có tài, có trí. Sự cống hiến của ông cho nền nhạc khí Việt Nam suốt 35 năm qua thật lớn lao….
“Văn Kỳ Thanh” đã khá lâu. Tận bây giờ mới “Kiến Kỳ Hình”. Tôi nói mục đích cuộc viếng thăm và “nhập đề” ngay:
- Anh bắt đầu nghĩ đến việc cải tiến các nhạc khí của ta từ bao giờ?
Nhà “tỷ phú âm thanh” ngồi lặng đi, cái nhìn của ông chợt trở nên xa xôi:
- Vào năm 1960, tôi đang học khóa đầu của trường nhạc Việt Nam. Một đêm mất điện, buồn quá, tôi lững thững dạo quanh các phòng tập. Từ trong một phòng chợt tiếng Ôboa vang lên. Tiếng Ôboa mênh mông và vào màn đêm mênh mông. Tiếng kèn làm những cảm quan thực tại của tôi biến mất…
Tiếng Ôboa trong trường nhạc ngày nào chả có? Nhưng không hiểu sao đêm ấy nó lại gieo vào lòng tôi một nỗi niềm da diết đến thế; học sinh vào trường nhạc rất ít người muốn học đàn dân tộc. họ mê các nhạc khí châu Âu, trước hết là khả năng diễn tả của chúng. Với một cái piano, một cây vĩ cầm hay cây tây ban cầm… người nhạc công thỏa sức tung hoành trong thế giới vô tận của âm thanh. Sức diễn cảm phong phú của chúng cho phép những nhạc sĩ sáng tạo ra những bản nhạc có thể đi vào được những vùng sâu thẳm của tâm linh, nơi mà ngôn ngữ bất lực.
Chao ôi! Trông người lại ngẫm đến ta.
Có cái gì như là sự tủi thân khi tôi kiểm tra lại cái “gia tài âm nhạc” của dân tộc mình.
Khoa nhạc dân tộc của trường chỉ lèo tèo vài bộ môn: Tam, Tứ, Nhị, Sáo, Thập lục, Tỳ bà… còn cái gì nữa nhỉ? Một đất nước gần sáu mươi dân tộc mà đến lúc ấy âm nhạc của các dân tộc ít người hầu như chưa được biết đến. Điều đáng buồn không phải chỉ ở chỗ đó mà còn ở chỗ tất cả những nhạc khí của ta đều còn nguyên vẹn cái vóc dáng dân gian: Âm lượng nhỏ, âm vực hẹp, hình thức thô xấu… hàng chục thế kỷ phong kiến, triều đại nào cũng nói đến Thi Thư lễ nhạc mà nào có thấy Lễ, thầy Nhạc? Âm nhạc cung đình không bao giờ dám vượt qua cái khung “đại nhã, tiểu nhã” của Trung Hoa. Người nghệ sĩ không bao giờ được coi là một con người tử tế, không bao giờ được đối xử bình đẳng, nói gì đến được trọng đãi. Một trạng nguyên Lương Thế Vinh chỉ vì viết cuốn “Lý phường phả lục” mà bị phỉ báng. Một nghệ sĩ cỡ Đào Duy Từ mà bị cấm đi thi, không tìm nổi một xó dung thân đến phải biệt xứ. Câu “Xướng ca vô loại” còn ám ảnh những người làm nghệ thuật đến tận bây giờ. Trên cái nền ấy làm sao sinh ra được những tài năng âm nhạc lớn? Nhưng … trách ai bây giờ. Chiến tranh, tao loạn, thiên tai, nghèo đói…?
Nhưng nhạc khí châu Âu kia có được cả khả năng phô diễn lẫn hình thức như ngày nay, là vì đã qua hàng mấy chục thế kỷ liên tục cải tiến. Người ta làm được, sao chúng ta lại không thể cải tiến được những nhạc khí cổ truyền của mình? Tại sao không nâng chúng lên một tầm vóc cao hơn để đáp ứng những yêu cầu mới của âm nhạc?
Ý nghĩa đó cứ bám riết lấy tôi và trở thành một định mệnh…
- Đó là ý nghĩa, thưa anh. Thế còn việc thực hiện?
- Ngay sau đó! Ra trường, tôi về đoàn văn công khu tự trị Tây Bắc rồi sang làm trưởng khoa nhạc của trường nghệ thuật Tây Bắc. Mấy năm sau, tôi đã khảo sát và hoàn thành tập đề án cải tiến 54 nhạc khí dân tộc. Và tôi đã đệ trình lên Ban nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn Hóa), xin được đánh giá và cho phép triển khai thực hiện.
- Bộ trả lời anh thế nào?
- Chạy mòn cả cẳng mà chả ai trả lời. Bực mình quá, tôi tự nhủ: “Thôi mình làm lấy vậy!”.
- Làm lấy?
- Vâng! Cho đến bây giờ tôi đã hoàn thành được trên 40 công trình. Năm 1987 tôi chọn 5 công trình đưa dự thi (đàn Bông sen, Tính Tầu, Chiêng dây, Chùm nhạc, Chùm mõ) tại hội nghị toàn quốc báo cáo những công trình cải tiến đàn dân tộc (do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức) tôi đã đạt 3 giải A, hai giải B. Một số công trình của tôi đã được nước ngoài quan tâm.
- Theo tôi hiểu thì đó là công việc của nhiều người, phải có một xưởng thí nghiệm với sự tham gia của các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà vật lý âm thanh và hàng chục thợ giỏi. Phải có sự trau dồi, quan hệ với các viện nghiên cứu âm nhạc nước ngoài. Phải tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Đằng này anh chỉ có một mình. Xin hỏi: anh lấy tiền đâu để thực hiện chừng ấy công việc?
Nhà “Tỷ phú âm thanh” xòe hai bàn tay gày gò ra trước mặt tôi:
- Tiền ở đây. Để có tiền, tôi đã động viên cả nhà lao vào làm giàu: Từ chăn nuôi, tăng gia, làm thuê “cho đến xuống sông Đà đánh cá, mò cua bắt ốc”. Tôi cấm vợ con không được đụng đến một đồng. Đã có lúc tôi có một gia sản tính ra đến mấy chục cây vàng. Nhưng rồi dồn hết cho công việc. Đã ba lần tôi bán sạch gia tài, bán, làm, chưa xong thì tạm ngừng để kiếm tiền, rồi lại làm tiếp.
- Bộ Văn hóa không cho anh đồng nào ư?
- Không. Nhưng tôi lại nhận được một số nguồn tài trợ khác. Năm 1973, tôi hoàn thành việc cải tiến cây Tính Tầu, nâng lên thành tổ bộ tính trầm, trung và cao. Đoàn văn công Tây Bắc đem sử dụng, đạt hiểu quả lớn. Nghe tin anh Lò Văn Hạc, Ủy viên thường vụ Quốc hội kiêm chủ tịch khu tự trị Tây Bắc, gọi tôi lên báo cáo, động viên tôi tiếp tục công việc và lấy ở quỹ của khu ra cho tôi 15.000đ. Mười lăm ngàn đồng hồi ấy lớn lắm. Ông Lương Sơn, Ủy viên thư ký của khu đã chạy đến chỗ anh Hạc hỏi:
- Sao anh cho ông nhạc sĩ này nhiều tiền thế?
- Anh Tạ Thâm đã “cứu sống” cây Tính Tầu – Chỉ riêng việc đó thôi, dân tộc Thái đã có thể nuôi anh ấy cả đời được rồi (Tính Tầu là cây đàn của dân tộc Thái). Số tiền đó là để giúp anh ấy hoàn thành nốt những công trình nghiên cứu còn lại. Nhiều gì mà nhiều?
Rồi một vị lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc cũng tặng tôi 40.000đ và trong một lần “bí” kinh phí quá để cải tiến cây đàn bầu thành cây Bông sen, tôi đã “đánh đường” về Hà Nội, anh Tạ Phước, giám đốc Nhạc viện Hà Nội và bạn bè đã tổ chức cho tôi nói chuyện về các công trình của tôi với giới âm nhạc Thủ đô, với Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị; Trường nghệ thuật sân khấu, Đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương… Tôi đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt. Từ Hà Nội, tôi đi Việt Bắc. Lúc về đến nhà, nhận được rất nhiều giấy báo nhận tiền. Người gửi đến giấu tên. Số tiền khá lớn. Cầm đồng tiền tôi ứa nước mắt. Đây chắc chắn là tiền do những người đã nghe tôi nói chuyện gửi đến. Họ ủng hộ sự nghiệp của tôi, cổ vũ tôi. Và tôi nhận thấy trách nhiệm của tôi thật nặng nề, ơn nghĩa này ở đời tôi phải trả…
- Sắp tới, anh định làm gì?
- Tôi định nghiên cứu cải tiến 54 loại nhạc khí của dân tộc. Mới hoàn thành hoàn thành được 40 mà đã 65 tuổi rồi. Sức khỏe gần đây sa sút quá. Gánh cơm áo thì nặng nề. Không biết có đủ sức mà hoàn thành không. Mấy năm nay tôi cố gắng vận động một số cơ quan tổ chức cho tôi cuộc triển lãm giới thiệu những gì tôi đã làm được. Nhưng hoan nghênh thì nhiều còn ủng hộ về vật chất thì vẫn chưa thấy có ai.