Theo bài viết của Xuân Hà đăng trên báo “Lao Động” số 21, ngày 24/5/1990
Người ta gọi nghệ sĩ Tạ Thâm là “vua” cải tiến nhạc cụ dân tộc quả không sai. Rời quê hương Thụy Anh (nay là Thái Thụy, Thái Bình) tham gia kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại anh được vào học trường âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp trung cấp âm nhạc năm 1963. Ngay khi còn học ở trường – năm 1957, Tạ Thâm đã đề nghị với Ban âm nhạc (Bộ văn hóa) cải tiến 54 nhạc cụ dân tộc trong cả nước. Nhưng đề nghị đó không được ai ủng hộ, bị lãng quên, có ý kiến còn cho anh là điên rồ.
Tạ Thâm vẫn không nản chí, lùi bước. Anh dày công sưu tầm, mày mò, học hỏi để tiến hành công việc của mình. Anh dành những đồng lương ít ỏi của mình và làm nhiều việc cực nhọc vất vả khác, như mót lúa, làm công, nuôi lợn gà, đánh cá… để lấy tiền cho sự nghiệp cải tiến nhạc cụ.
Sau 33 năm cần cù nhẫn nại, nghệ sĩ Tạ Thâm đã thực hiện được hoàn chỉnh 44 đề tài nghiên cứu. Công lao của Tạ Thâm phần nào đã được đánh giá trong hội nghị báo cáo những phát minh, cải tiến nhạc cụ dân tộc, do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức. Trong tổng số 10 công trình xuất sắc được giải thưởng của Bộ văn hóa, riêng nghệ sĩ Tạ Thâm chiếm 5 giải (3 giải A, 2 giải B).
Nhiều nhạc cụ cải tiến của Tạ Thâm đã được chế tạo hàng loạt phục vụ các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Chùm mõ là một trong 5 công trình được giải thưởng của anh. Phải nói qua lai lịch sự hình thành nhạc cụ này mới thấy được sự công phu và tài năng của nghệ sĩ. Mõ ở nước ta có nhiều loại khác nhau về hình dáng và âm thanh, được dùng trong các mục đích khác của đời sống.
Trong điểm canh xưa có mõ cá. Đó là hiệu lệnh của làng xã, tùy theo nhịp điệu qui định mà thông báo cho dân làng biết: điểm canh, hội hè, bắt cướp, chữa cháy, hộ đê…
Trên rừng, từng đàn trâu thả đi ăn không cần người chăn dắt, chủ trâu vẫn dễ dàng tìm ra trâu của mình nhờ những chiếc mõ treo ở cổ trâu. Do cấu tạo chiếc mõ hình dáng bầu dục hay dài ngắn, to nhỏ, dày mỏng khác nhau; cùng với que gõ trong mõ có số lượng, độ dài khác nhau đã tạo nên sự phong phú về âm sắc, cao độ, tiết tấu khiến mỗi chiếc mõ là tiếng nói riêng biệt của mỗi con trâu.
Mõ quả dùng trong chùa điểm xuyết những âm thanh gọn sắc vào tiếng tụng kinh niệm phật. Còn rất nhiều loại mõ khác, như mõ làng (bằng củ tre), mõ thuyền, mõ ống tre, mõ thanh…
Sau nhiều năm dày công sưu tầm, nghiên cứu về các loại mõ, nghệ sĩ Tạ Thâm đã sáng chế ra chùm mõ, một nhạc cụ mới, đặc sắc trong dàn nhạc dân tộc.
Chùm mõ sử dụng bằng cả tay và chân: gõ và gạt, được cấu tạo bằng bốn loại: mõ ống, mõ quả, mõ trắc và mõ thanh. Mõ ống thường bằng ống tre được thay bằng gỗ mít có âm thanh tốt, đặt thành bốn hàng ở giữa chùm mõ có âm lượng lớn, vọng xa, âm sắc không sáng mà không tối. Mõ quả đặt xung quanh chùm mõ có màu âm tối. Mõ trắc đặt ở cánh mõ bên phải, dùng loại gỗ cứng, hình ống bẹp, màu âm sáng và chói. Mõ thanh đặt ở cánh mõ bên trái, màu âm trong và sáng.
Đặc biệt do cấu tạo liên hoàn gõ và gạt, chùm mõ tạo được những âm thanh chưa có trong các loại mõ, có thể mô phỏng tiếng chim gõ mõ, chim đa đa, tiếng ếch nhái, côn trùng, tiếng vó ngựa… Bố cục của chùm mõ tạo được thế thuận lợi cho diễn tấu nhờ gõ, gạt, đập, lóe, vuốt thể hiện được nhiều phong cách khác nhau vì có bốn màu âm, cao độ khác nhau.
Chùm mõ, một nhạc cụ dân tộc mới độc đáo đã đi vào đời sống âm nhạc của Việt Nam. Nghệ sĩ Tạ Thâm, một con người giàu tâm huyết, có nghị lực và ý chí phi thường và nhiều tài năng sáng tạo như vậy, nếu được những cơ quan có trách nhiệm quan tâm, chú ý giúp đỡ tạo điều kiện nghiên cứu sáng tạo (chưa kể còn có những hành vi trù dập, gây khó khăn), thì Tạ Thâm còn tiến xa hơn, cống hiến được nhiều thành tựu xuất sắc hơn cho ngành âm nhạc dân tộc Việt Nam.