Theo phóng sự củaVũ Hữu Sự đăng trên “Tuần báo Doanh Nghiệp” năm 1995
II- BỐN DÂY RỎ MÁU NĂM ĐẦU NGÓN TAY
Chỉ hai năm sau, bằng một cường độ lao động phi thường, Tạ Thâm đã hoàn thành tập đề án cải tiến 54 loại đàn của các dân tộc trong cả nước, và ông đã đệ trình tập đề án đó lên Ban nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hóa – Thông tin) xin thẩm định và tạo điều kiện để ông tiến hành…
Để bạn đọc dễ hình dung ra mức công việc của ông. Tôi (người viết bài này) xin được dẫn giải một chút: muốn cải tiến một cây đàn thì phải hiểu biết thật sâu sắc về nó, phải biết nó từ đâu tới hay từ đâu sinh ra. Nó sinh, lão, bệnh, tử thế nào? Nghĩa là phải dõi theo nó từ lịch sử đến hiện tại. Phải “đọc” nó, phải “soi” nó dưới rất nhiều góc nhìn khác nhau, và một điều không thể thiếu được là phải nghiên cứu nó trên thực địa. Phải lập được hồ sơ về nó, không phải như hồ sơ của các nhà tổ chức mà là Hồ-sơ-nghệ-thuật. Bản hồ sơ đó phải trả lời được câu hỏi: Tại sao cây đàn hay chiếc khèn… (những sản phẩm văn hóa của một nền văn hóa của một dân tộc) đó lại được sinh ra từ chính dân tộc này chứ không phải từ dân tộc khác? Nó quan hệ thế nào với tính cách tâm hồn của dân tộc đó? Và khi nó – với tư cách là một sản phẩm văn hóa – gia nhập vào những dân tộc khác thì nó được sử dụng như thế nào? Nó còn tiềm ẩn trong mình những khả năng nào mà ngay chính dân tộc sinh ra nó cũng chưa khai thác hết, để đến khi gia nhập cộng đông mới, những khả năng mới được phát hiện và khơi dậy. Nghiên cứu một nhạc khí chính là để phát hiện những tiềm năng đó. Nó là khâu đầu tiên trong quá trình cải tiến…
- Ban nghiên cứu âm nhạc đã trả lời anh thế nào?
- Chạy mòn cả chân mà không ai trả lời. Cuối cùng, bực mình quá tôi tự nhủ: “Thôi mình làm lấy vậy”.
- Làm lấy? Theo tôi hiểu thì đó là công việc của nhiều người. Phải có một xưởng thí nghiệm, với sự tham gia của các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà vật lý âm thanh và hàng chục thợ giỏi. Phải làm trong nhiều năm, phải có sự cộng tác, quan hệ với các viện nghiên cứu âm nhạc nước ngoài. Phải tiêu tốn một số tiền rất lớn. Xin hỏi anh đã lấy tiền ở đâu để hoàn thành chừng ấy công trình?
“Vua đàn” xòe hai bàn tay gầy guộc trước mặt tôi”:
- Tiền ở đây chứ ở đâu? Cuối năm 1965, tôi được cử về phụ trách khoa nhạc của Trường văn hóa - nghệ thuật Tây Bắc. Vợ tôi cũng chuyển về theo làm thủ quỹ của trường. Chúng tôi đã có hai con nhỏ. Về trường, tôi nghĩ đó là điều kiện tốt để tôi có thể thực hiện được những công trình cải tiến. Đúng vậy! Muốn hoàn thành những công trình cải tiến đó, phải chi phí một số tiền rất lớn, ngoài công sức và tâm huyết. Cho đến nay, tôi cũng không nhớ đã tiêu tốn vào những công việc đó bao nhiêu. Cứ làm, chứ ai lại đi “hạch toán”. Lúc đó, tay trắng tôi nghĩ mình phải tự kiếm ra mà làm chứ biết trông chờ vào ai? Thế là tôi động viên vợ lao vào chăn nuôi, tăng gia. Các con tôi thì mò cua bắt ốc, kiếm rau làm thức ăn gia súc. Chúng tôi đã nuôi hàng mấy trăm con gà, mỗi lần xuất chuồng hàng chục con lợn to, có con cả tạ. Phát nương trồng hàng héc ta lúa. Còn tôi, sáng lên lớp dạy học, chiều đi làm thuê: thợ mộc, thợ nề…Ai thuê gì cũng làm, miễn là có tiền. Tối về, soạn bài xong lại vác lưới đi bộ hơn chục cây số đến sông Đà đánh cá trắng đêm. Tờ mờ sáng, bán cá cho người mua cất xong lại cuốc bộ về để kịp bảy giờ lên lớp. Đã hai lần tôi suýt chết vì lăn xuống thác Tà Hè, một con thác dữ có tiếng. Tiền làm thuê, bán cá, bán lợn, bán gà, lúa má, hoa quả, tôi cấm vợ con không được đụng đến một đồng. Tiền! Phải có tiền! Có thật nhiều tiền rồi muốn cải tiến cải lùi gì mới cải được. Chỉ vài năm, tôi đã có một số tiền mà bất cứ ai nghe thấy cũng phát thèm…
- Là trưởng khoa nhạc của một trường Văn hóa – nghệ thuật lớn. Tiếng nói của anh hẳn là phải có trọng lượng. Sao anh không báo cáo với nhà trường, đề nghị đầu tư, lại phải vất vả thế?
- Có chứ! Tôi đã báo cáo với lãnh đạo nhà trường ngay từ đầu. Kết quả là tôi bị ra khỏi hàng ngũ đối tượng Đảng. Vợ tôi đang được chi bộ xem xét để kết nạp đợt ấy, cũng bị gạt ra theo. Họ đã nói thẳng với vợ tôi – Chị có người chồng lúc nào cũng chỉ kiếm tiền thì có vào Đảng rồi cũng phải ra thôi. Chị thông cảm, chúng tôi không thể kết nạp chị được.
Tuy vậy, tôi vẫn bỏ qua tất cả để bắt tay vào công việc. Tôi chọn mấy nhóm nhạc để cải tiến đầu tiên: Tính tẩu, đàn cánh dơi, chùm mõ, cồng, hồ trung, hồ đại. Về đàn tính, tôi đã định chuẩn được âm thanh và phát triển thành ba cấp: tính cao, tính trung, tính trầm. Tôi kết hợp giữa cây tam thập lục của miền xuôi và cây tính cọn của Tây Bắc để phát triển thành chiếc đàn cánh dơi. Đưa tiếng cồng vào dàn nhạc là mơ ước của rất nhiều đoàn văn công. Nhưng biên chế có hạn nên chưa đâu làm được, bởi một dàn cồng Mường tối thiểu cũng phải 10 người chơi. Nay tôi đã thay cồng gõ bằng cồng dây, thu cả dàn cồng vào một mặt gỗ đường kính chỉ 40 cm. Một người chơi cũng có thể chơi được…
Chỉ hai tháng, tiền nong sạch nhẵn, kéo theo toàn bộ đồ đặc trong nhà: từ cái xe đạp cho đến cái giường nằm, phải rải chiếu nằm đất, thế mà công việc còn dở dang…
Đó là những ngày tháng hết sức cơ cực: con cái ốm đau, vợ tôi tuy rất thương tôi, nhưng thấy tôi “ném toàn bộ cơ nghiệp qua cửa sổ” mà chẳng được “tích sự gì” nên cũng hoang mang, luôn mồm ca cẩm. Bạn thân thì ngoảnh mặt. Đúng lúc ấy trường giáng thêm một đòn nữa: Tuy vẫn làm tròn trách nhiệm trưởng khoa, vẫn dạy đủ giờ, nhưng trong tháng hễ tôi ra khỏi trường một ngày là bị cắt lương tháng ấy. Anh tính làm nghiên cứu, cải tiến thì tôi phải đi lại tìm hiểu, khảo cứu, phải sang đoàn văn công để trao dồi, thử nghiệm… Cấm tôi đi, thì còn làm gì được. Đói khổ càng thêm đói khổ. Vợ tôi không chịu nổi, ôm con bỏ về quê, chứ tình thế này thì không sao sống nổi, cơ cực quá rồi…
Một mình trơ trọi, cô độc giữa thâm sơn cùng cốc, tôi lại tiếp tục lao vào kiếm tiền để hoàn thành công việc mà tôi theo đuổi. Năm 1973, mấy nhóm nhạc cụ trên đã hoàn thành. Lúc này do vợ tôi dần dần hiểu được công việc của tôi làm, lại đã lên, giúp tôi rất nhiều việc.
Vào đúng lúc ấy, tôi nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu. Những nhạc cụ do tôi cải tiến và phát triển, nâng cao được đem biểu diễn ở đoàn văn công Tây Bắc đã đạt hiệu quả lớn. Giới âm nhạc xôn xao lên. Tin ấy bay đến tai ông Lò Văn Hạc, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch khu tự trị Tây Bắc. Ông gọi tôi lên, tiếp tôi một buổi sáng. Nghe tôi trình bày ý đồ cải tiến các nhạc khí của mình, ông lập tức cấp giấy giới thiệu cho tôi sang Việt Bắc để nghiên cứu tiếp một số nhạc cụ và nói:
- Khu tự trị tặng anh một số tiền, anh sang chỗ anh Lương Sơn, Ủy viên thư ký để nhận.
Cầm mảnh giấy tôi đưa, ông Sơn tròn mắt kéo tuột tôi trở lại chỗ ông Hạc:
- Sao anh cho ông nhạc sĩ này nhiều tiền thế? Những 15.000 đồng (thời giá năm 1973, số tiền đó trị giá 25 lạng vàng)?
- Anh Tạ Thâm đã làm sống lại cây đàn Tính. Chỉ một việc đó thôi, dân tộc Thái có thể nuôi anh ấy cả đời được rồi. Số tiền ấy là để giúp anh ấy cải tiến tiếp những nhạc cụ khác. Nhiều gì mà nhiều?
Số tiền của khu tự trị đã giúp tôi trang trải nợ nần đợt trước, và làm tiếp một số công trình khác. Nhưng rồi để triển khai tiếp đợt thứ ba, tôi lại phải bán sạch gia sản một lần nữa. Cũng do vợ tôi tích cực làm thêm, động viên các con dè xẻn "để cho bố lấy tiền cải tiến nhạc cụ” mà tôi hoàn thành được cây đàn Bông Sen.
- Đã có ý kiến của ông Hạc thế rồi, nhà trường cũng thay đổi cách nhìn đối với anh?
- Trái lại! Căng thẳng hơn thì có. Một lần tôi đánh cá ở Sông Đà, bị mấy dân quân xã bắt, chỉ vì tôi quên không mang giấy “chứng minh nhân dân”. Về nhà trường lập tức đè tôi ra kiểm điểm vì tôi “đánh cả trộm” và cắt lương tôi lâu dài. Cá sông Đà sao lại phải đánh trộm? Cắt lương vào đúng những ngày giáp Tết. Cái Tết năm 1973 ấy đối với gia đình tôi, một đời không quên: gạo hết, tiền hết, trong nhà chỉ còn một đống đàn đang cải tiến dở dang.
Câu chuyện của ông, đến đây đành phải bỏ dở vì quá nhiều khách đến “đặt hàng”. Khách chủ yếu là người của các đoàn văn công. Họ đến để mua những nhạc cụ mà ông đã cải tiến, nâng cao. Tôi xin ông hôm sau để đến nghe tiếp, ông đồng ý. Nhưng hôm sau, tôi đến, ông đã đi Hòa Bình. Ông đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm báo cáo toàn bộ các công trình nghiên cứu đã làm được. Tận một tuần sau vẫn chưa về. Sốt ruột quá, tôi đành “phóng” lên. Căn nhà của ông tuềnh toàng, chỉ có đôi phản cập kênh dùng để nằm và một cái tủ xây bằng…gạch, và ngổn ngang hàng chục cây đàn đang được ông cải tiến dở dang. Đó là “hậu quả” của lần bán gia sản thứ ba, dồn tiền cho những công trình. Còn một cái tủ lát rất đẹp (Tạ Thâm làm nghệ mộc rất giỏi, ông đóng đàn và đóng đồ không ai chê được). Bà vợ không muốn bán. Ông bèn giục bà: “Đi thăm con gái mấy ngày”. Bà vừa đi, lập tức ông gọi người đến bán và xây cái tủ gạch thế vào. Về, bà la làng lên. Ông chỉ cười: - Có gì “tống” tất vào đó. Nhỡ có cháy nhà cũng không việc gì, bạ ạ.
Đang bực mà bà cũng phải cười theo.
- Có mà tống vào đấy thì có.
- Thế nào? Sau đợt cải tiến thành công cây đàn bầu thành đàn Bông Sen, anh tiếp thế nào?
- Tôi đi Việt Bắc. phải có lệnh của ông Lò Văn Hạc, nhà trường mới cho đi. Lương vẫn bị cắt. Tài sản còn duy nhất là cái đồng hồ tay, tôi tháo bán được 100 đồng. Để lại cho vợ một nửa để nuôi con. Tôi về Hà Nội gặp anh Tạ Phước, Giám đốc Nhạc viện, để xuất nguyện vọng. Anh tổ chức ngay một cuộc nói chuyện, mời tôi giới thiệu các công trình cải tiến đã thành công của mình. Tại cuộc nói chuyện đó, tôi nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của giới âm nhạc Thủ đô. Sau đó là liên tiếp nhiều buổi nói chuyện khác ở Đoàn ca múa Tổng cục chính trị; Trường nghệ thuật Hà Nội; Trường nghệ thuật sân khấu; Đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương… Nhưng rồi nóng lòng muốn đi Việt Bắc ngay. Ra ga Hàng cỏ, chẳng may bị kẻ cắp nẫng mất túi: tiền bạc, giấy tờ mất hết. May còn cây đàn tính đeo vai. Tôi bèn vừa đàn, vừa hát để ăn xin trên tàu vậy. Hành khách biết tôi là nghệ sĩ đi công tác, bị mất cắp nên rất nhiệt thành ủng hộ. Nhờ thế tôi đến được Thái Nguyên, thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc. Lại những cuộc nói chuyện như ở Hà Nội. Người ta hưởng ứng, đặt hàng rất nhiều…Trở vê, tôi nhận được mấy giấy mời lĩnh tiền cùng một lúc. Người gửi không ai để tên họ. Số tiền tổng cộng khá lớn. Cầm đồng tiền tôi ứa nước mắt. Chắc chắn đây là tiền ủng hộ sự nghiệp của tôi, cổ vũ tôi, và tôi nhận thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Ơn nghĩa này ở đời, tôi phải trả. Tôi lại lao vào một đợt cải tiến mới.