Theo bài viết của Trần Thu Huyền đăng trên báo “Tiền Phong” số 88, ngày 23/8/1997
Người ta gọi ông bằng nhiều cái tên: “Tạ Thâm” – “tỷ phú âm thanh”, “vua cải tiến nhạc cụ dân tộc” hay thậm chí “kẻ đam mê rồ dại”.
Suốt 40 năm trời ông cứ lầm lũi một mình đi, một mình mầy mò trên khắp các vùng núi rừng Tây Nguyên trung du, đồng bằng đến rẻo cao Việt Bắc, ông săn lùng, mô tả, vẽ ký âm, chụp ảnh đồng thời lần mò xin được học cách chơi, cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Ông bảo: “Ước muốn của tôi là làm sao cho các nhạc cụ dân tộc chúng ta không đơn thuần chơi những điệu, âm thanh mà khả năng diễn tả chỉ mang sắc dân gian. Đa phần nhạc cụ của ta còn âm lượng nhỏ, âm vực hẹp, khả năng phối khí, phối âm còn hạn chế. Công việc của những người làm nghề nghiên cứu âm nhạc không chỉ là bảo tồn, sưu tầm các loại nhạc cụ mà hơn nữa phải là nâng cao chỉnh lý và phát triển”. Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện dẫn đến sự đam mê này: Dạo đó, tôi học nhị của thầy Vũ Tuấn Đức (ở Âm nhạc). Thấy chị Thái Liên chơi pi-a-nô và anh Quang Hải kéo đàn vi-ô-lông, họ chơi được nhiều bản nhạc quốc tế đặc sắc với kỹ thuật tiết tấu phong phú. Còn tôi kéo mỗi bài “Cò lả” quay đi quay lại chỉ có: “Con cò bay lả bay la” thấy tủi! Thế là nảy ra ý định tìm tòi, cải tiến nhạc cụ…”
Chiếc kèn bầu trước đây không có bầu, ông đã lắp thêm vào đầu một đoạn loa bầu trông vừa tạo dáng vừa âm thanh trầm đục hơn. Chiếc đàn bông sen được cải tiến từ đàn tì bà. Ông nói, giọng tự hào: “Ca sĩ Thúy Đạt với bài “Đợi” phần đệm chỉ do đàn bông sen thực hiện đã đem lại hiệu quả đặc biệt (đoạt gải nhất cuộc thi đơn ca 1994)”.
Xin nói về ông. Năm 1955 vừa tốt nghiệp xong khóa I trong trường Âm nhạc (nay là Nhạc viện Hà Nội), chàng trai 27 tuổi vốn sinh trưởng ở quê lúa Thái Bình đã dám táo bạo, đề nghị lên Ban nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hóa) cải tiến 54 nhạc cụ dân tộc nhưng bị từ chối và cho là viển vông. Thế là “đơn thương độc mã”, ông cứ lầm lũi mà thực hiện ý định của mình. Cho đến hôm nay 46/54 đề tài ấp ủ ngày đó đã thực hiện xong.
Năm 1987 – tại Hội nghị báo cáo “Những công trình cải tiến nhạc cụ dân tộc” do Viện nghiên cứu âm nhạc Bộ Văn hóa tổ chức – 5 đề tài cải tiến tham gia của ông đã được trao giải. Ông đã trở thành nhà làm đàn tài ba. Cho đến hôm nay, bàn tay đầy vết chai sạn của ông đã chế tạo từ những quả bầu khô, những thớ gỗ, những ống nứa, thành chiếc đàn nhị, đàn bầu, đàn tơ rưng… đẹp mà chất!