Bất công ngang trái một tiếng đàn - Phần 1


Theo ghi chép của Nguyễn Đình San

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KỲ DỊ

 

Hà Nội – một ngày cuối đông năm 1987. Viện nghiên cứu âm nhạc mở hội nghị báo cáo những công trình nghiên cứu cải tiến nhạc cụ dân tộc. Cuộc họp diễn ra trong ba ngày, giữa những ngày gió mùa đông bắc, nhiệt độ xuống dưới 10 độ. Gió lạnh cứa vào da thịt, buốt thấu tận xương tủy. Ai cũng com-lê, măng-tô-san, cra-vát trịnh trọng. Giữa những người lịch sự đối với tôi đã khá quen biết, tôi bỗng thấy một người đàn ông lạ lùng, chỉ phong phanh một chiếc áo bộ đội bốn túi màu, đã bạc phếch, cổ đã sờn. Ông ta mặc một chiếc quần xanh rộng thùng thình gần giống như chiếc quần ta kiểu pi-ja-ma, mặc ở nhà. Gấu quần xộc xệch, ống cao, ống thấp để lộ hai cổ chân gầy guộc, đen nhẻm. Bàn chân khẳng khiu của ông ta không bít tất đã được xỏ một cách cẩu thả vào đôi dép cao su không quai hậu. Dép và gấu quần cùng quét đất lẹp xẹp. Dáng điệu ông mới tiều tụy làm sao!

 

Nếu ông ta chỉ lảng vảng ngoài sân thì tôi cũng chẳng chú ý tới nhiều. Khi người đàn ông đó bước vào hội nghị nhoẻn miệng cười với rất nhiều người, ông tới chào hỏi, bắt tay rất nhiều bạn bè quen biết của tôi. Tới tôi, vì không quen nên ông chỉ gật đầu thay lời chào. Tôi quan sát ông ta kỹ hơn: khuôn mặt hố hác, đôi mắt trắng dã, nước da xám ngoét và cái miệng cười nói khó tả làm sao: cười mà chẳng tươi, chỉ càng hằn thêm trên mặt những rãnh nhăn sâu trũng, khổ hạnh. Tôi thấy rõ mọi người cũng nồng nhiệt đáp lễ và còn ân cần thăm hỏi ông. Tôi hỏi những người chung quanh:

 

-      Nhân vật nào kỳ lạ vậy?

 

Họ trả lời:

 

-      Tạ Thâm. Đó là tác giả có nhiều công trình cải tiến nhất trong hội nghị này. Ông ta sẽ báo cáo 5 công trình.

 

Tạ Thâm! Tôi giở từ prô-gam in chương trình báo cáo của các nhà cải tiến nhạc cụ có tên Tạ Thâm. Và ông báo cáo những 5 nhạc cụ: Bông sen, tính tẩu, chiêng dây, chùm nhạc, chùm mõ.

 

Khi ông bước lên diễn đàn mới thật đáng kinh ngạc. Tạ Thâm phô diễn lưu loát với giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Trước khi lên diễn tấu, ông nói đôi lời về quá trình nghiên cứu, cải tiến cùng những băn khoăn, trăn trở của mình. Ở trong cái giọng nói vô tư, ngay thẳng, nói mà như là quát của Tạ Thâm, tôi cảm thấy có vị cay đắng hoặc ít ra cũng là một cái gì không bình thường chứa đầy uẩn khúc. Nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiến lên biểu diễn cây đàn Bông sen, trước khi đánh, anh diễn giải phân tích. Với tư cách là người chơi đàn bầu, anh đã góp công cùng Tạ Thâm hoàn chỉnh thêm Bông sen cho thuận lợi với việc diễn tấu. Và khi cây đàn được trình diễn mới thú vị làm sao. Chỉ trên một nhạc cụ mà Tạ Thâm đã khéo léo sắp xếp, bố trí các chi tiết, đã tạo hiệu quả âm thanh như một dàn nhạc thu nhỏ. Có phần giai điệu, bè cao, lại có phần đệm, bè phụ họa. Rồi tiếng trống, tiếng chiêng cũng được vang lên lúc cần thiết để phụ họa cho phần giai điệu. Hình thức cây đàn đẹp, tuy hơi cầu kỳ một chút. Đó chính là điều Tạ Thâm còn muốn tiếp tục cải tiến, nâng cao sao cho đơn giản, bớt một số chi tiết để nhanh chóng có thể đưa vào xưởng sản xuất đại trà, phục vụ đời sống âm nhạc ở khắp nơi. Nguyễn Tiến độc tấu một vài bài. Tiếng đàn anh vốn ngọt ngào, điêu luyện, lại càng gây hào hứng cho người nghe. Đặc biệt khi anh đệm cho ca sĩ Thúy Đạt hát, người nghe thấy đàn Bông sen có hiệu quả hơn phần đệm của nhiều dàn nhạc cồng kềnh. Riêng bài “Đợi” của Huy Thục mà Thúy Đạt trước đó ít lâu đã giành giải nhất dòng dân gian trong đợt 1 cuộc thi đơn ca toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, người ta thấy rõ có phần đóng góp xứng đáng của phần đệm do đàn Bông sen đảm nhiệm với sự điều khiển tài tình của Nguyễn Tiến.

 

Với riêng tôi, Tạ Thâm cũng là một điều bí ẩn. Đàn Bông sen của ông trí tuệ, tài tình, hấp dẫn bao nhiêu thì cái thân hình gầy guộc cùng với khẩu khí cay đắng của ông càng ám ảnh tôi bấy nhiêu và kích thích trong tôi bao thắc mắc: “Sao con người tài ba, có cống hiến lớn lao như thế kia lại gần như một kẻ ăn xin khốn khổ vậy? Cây đàn ông ta làm ra kết quả rành rành của một quá trình nghiền ngẫm và âm thanh đã được vang lên hết sức thú vị ai cũng thấy, bao năm “mai danh ẩn tích” ở đâu? Sao tôi không nghe ai nhắc đến ông? Tôi hỏi một số người, đều được họ trả lời: “Ông chưa biết đó thôi. Đó là một con người hết sức đặc biệt. Cuộc đời ông ta rất nhiều bí ẩn, không thể nói vắn tắt được. Nhưng đại để là: có tâm, có trí, nhưng bị ngược đãi, vùi dập.”

 

Tôi quyết định chủ động trực tiếp gặp Tạ Thâm.

 

KẺ PHIÊU LƯU ĐƠN ĐỘC

 

Tôi quê gốc ở Thụy Anh (Thái Bình) – Tạ Thâm kể. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi ở trong đội quân Thanh niên xung phong do ông Vũ Kỳ lãnh đạo – Đội quân mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh thắng lợi, sau đó đơn vị tôi được điều lên mở tuyến đường 111. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách mở đoạn đường trên đỉnh Phô-lô. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi được Trung ương Đoàn gọi về cho đi học nước ngoài. Nhưng về đến Hà Nội do tình hình đột xuất, việc đi nước ngoài hoãn lại và điều tôi về đoàn văn công Thanh niên xung phong.

 

Ở đoàn văn công này ít lâu, do có chút năng khiếu và chơi được một số nhạc cụ như măng-đô-lin, băng-giô, an-tô, cấp trên cho tôi về học bổ túc âm nhạc trung cấp ở trường âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội bây giờ) lúc đó đóng ở nhà số 3 phố Cao Bá Quát (Học cùng lớp lúc ấy có các anh Quang Hải nay là giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Tấn nay là trưởng ban khí nhạc Hội nhạc sĩ, Nguyễn Thị Nhung nay là phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Trần Ngọc My nay là trưởng đoàn nghệ thuật Bộ Nội vụ). Giáo viên là các nhạc sĩ Lê Yên, Tạ Phước, Tô Vũ. Thời gian đó, chúng tôi luôn nhận được sự chăm sóc ân cần, động viên cổ vũ của anh Vũ Kỳ (sau này là thư ký riêng cho Bác Hồ). Tôi học nhị ở cụ Vũ Tuấn Đức và học thêm đàn vi-ô-lông, chị Thái Thị Liên chơi đàn Pi-a-nô nhiều bản nhạc quốc tế đặc sắc với những kỹ thuật diễn tấu phong phú, tôi học nhị kéo mỗi một bài Cò là quanh đi quẩn lại chỉ “Con cò bay lả bay la” với mấy nốt đơn giản, tôi thấy tủi. Tôi nghĩ sở dĩ hai đàn vi-ô-lông và pi-a-nô hoàn chỉnh như ngày hôm nay cũng là trải qua một quá độ cải tiến của người nước ngoài. Vậy không lẽ dân tộc ta chỉ nghèo nàn thế thôi ư? Từ cái tủi đó, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: Người ta cải tiến được, ta cũng phải cải tiến nhạc cụ cổ truyền của ta. Thế là sau 8 tháng học, trên đường trở lại Tây Bắc, gặp trên đường những cô gái Cống Khao xinh đẹp vừa đi vừa đánh đàn Hưn may, những chàng trai Hơ Mông đi bên cạnh các cô gái dìu dặt và si tình làm sao!

 

Nhiều nhạc cụ của đồng bào dân tộc khác, như tính tẩu, pí poặt, pí đôi, những tăng bẳng, tăng bu, khau cút… đã thôi thúc tôi tìm đến. Năm 1957, tôi đã chính thức đề xuất với ban nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hóa) cần cải tiến 54 nhạc cụ của dân tộc trong cả nước. Một anh chàng mới có 28 tuổi (tôi sinh năm 1929) chưa có tên tuổi dám kiến nghị lên tận trung ương về ý định cải tiến những 54 nhạc cụ! Có lẽ ngày nay người ta cũng còn ngạc nhiên, huống hồ khi đó, đã có “đổi mới tư duy” gì đâu…, nên tất cả bạn bè, người quen đề rũ ra cười, cho tôi là một thằng hâm. Lúc này tôi vẫn công tác ở đoàn văn công Thanh niên xung phong. Sợ mọi người cười, tôi phải tiến hành công việc một cách giấu giếm, lén lút chẳng khác nào kẻ làm điều gian dối, phi pháp. Tôi cứ thầm lặng bắt đầu công việc bằng việc vẽ các hình dự định cải tiến trên giấy. Đó là những ngày đầu tiên trong đời cải tiến của tôi, tất cả mới chỉ là trăn trở, bùng cháy ý đồ, triển khai trên giấy chưa có kết quả gì.

 

Năm 1959, tôi lại có dịp trở về trường âm nhạc học sáng tác khóa trung cấp 4 năm. Cùng lớp với tôi lần này có các anh, chị Phong Kỳ, Mông Lợi Chung, Hoàng Tuấn, Nguyễn Văn Nam bây giờ đều trở thành những nhạc sĩ. Năm 1963, học xong tôi về công tác ở Đoàn văn công Khu Tự Trị Tây Bắc. Tuy đi học nhưng tôi vẫn không từ bỏ việc nghiên cứu cải tiến nhạc cụ mà ngược lại, càng được trang bị thêm kiến thức âm nhạc, tôi càng có thuận lợi cho công việc mình đang theo đuổi. Năm 1964, tôi được sang Trung Quốc, nghe nhiều nhạc cụ đã được cải tiến của họ, tôi thấy chẳng có gì ghê gớm, mình hoàn toàn có thể làm được. Thế lần này càng củng cố niềm tin cho tôi. Về nước, lòng tôi nôn nao. Những bản vẽ vẫn còn trên giấy. Tôi nóng lòng muốn nhanh chóng có kết quả dù chỉ là bước đầu. Nhưng không có một cơ quan nào bảo lãnh để chi tiền cho tôi thực thi công việc. Không phải là tiền thù lao công xá, mà là tiền mua gỗ, mua nguyên vật liệu và trả công thợ mộc. Đó là những ngày giặc Mỹ đã leo thang chiến tranh rộng khắp miền Bắc. Vợ chồng tôi phải mang hai con nhỏ sơ tán ở dấu trong rừng. Bản thân tôi được khu cử sang xây dựng Trường Văn hóa – Nghệ thuật Tây Bắc phụ trách khoa âm nhạc. Và tôi là một trong mấy anh em có mặt đầu tiên ở trường này. Riêng tôi ở mãi tới ngày hôm nay.

 

Về công tác ở trường tôi nghĩ là điều kiện tốt để mình có thể thực hiện công cuộc nghiên cứu cải tiến nhạc cụ. Tôi đặt quyết tâm phải bằng bằng mọi cách tự kiếm ra tiền để phục vụ “sự nghiệp”. Tôi đã chăn nuôi, làm thợ mộc, thợ nề, bất cứ ai thuê mướn việc gì có thể làm được là tôi nhận lời. Tôi đi mót lúa, kiếm hoa bán lấy tiền. Nhưng nguồn kiếm tiền chủ yếu vẫn là xuống sông Đà đánh cá. Tôi nhớ mãi lần ấy, suýt nữa bỏ mạng trên sông Đà.

 

Kể đến đó, Tạ Thâm dừng lại, yêu cầu tôi sang hàng xóm tìm cho ông chiếc điếu cày. Rít liền hai hơi khoan khoái, ông phả khói thuốc vào không gian, đôi mắt trắng dã lờ đờ vừa như say, vừa như chìm về quá khứ. Ông lặng đi một lát, không nói.

 

-      Rồi sao nữa? Sau đó ông có thoát chết không? Tôi hỏi một câu rất ngớ ngẩn – Và vì sao ông phải cơ cực thế, lúc này đã về công tác ở trường rồi kia mà, lại phụ trách khoa âm nhạc nhà trường họ không giúp đỡ, đầu tư cho ông nghiên cứu sao?

 

-      Chẳng những không giúp đỡ gì mà còn cản trở, gây khó khăn. Lúc ấy người phụ trách nhà trường là Trần Bá Ti đã gọi tôi là cu-lắc chỉ thích kiếm tiền làm giàu và kiên quyết gạt tôi ra khỏi hàng ngũ đối tượng kết nạp Đảng. Tôi cứ ra khỏi trường, trường cắt lương, vợ tôi lúc đó là thủ quỹ của trường là một phụ nữ hiền lành chịu khó cũng là đối tượng tích cực của Đảng. Chi bộ đã nói với vợ tôi: “chị có người chồng như anh Thâm thì có vào Đảng rồi cũng phải ra, nên chị thông cảm chúng tôi không thể kết nạp chị được”. Đó là những tháng ngày hết sức cơ cực của đời tôi. Có bao nhêu tiền tôi dốc hết vào “cải tiến” hết, đời sống trở nên gieo neo, con cái luôn ốm đau vì đói rét. Vợ tôi tuy rất hiền và thương tôi nhưng cũng không thể nào hiểu được sự nghiệp tôi đang theo đuổi. Bạn càng thân, càng khuyên tôi từ bỏ việc cải tiến vì cho là viển vông, không tưởng, thân cô thế cô, một mình đơn độc nơi thâm sâu cùng cốc, chẳng cơ quan nào bảo trợ, ngay cơ quan mình đang công tác cũng bất bình. Vợ tôi chỉ thấy tôi ném tiền qua cửa sổ, nhà cửa có gì bán hết nên luôn ca cẩm tôi. Và hơn cả sự nghèo túng về vật chất là nỗi đau đớn về tinh thần, tình cảm. Vợ tôi tuy không “li dị” tôi nhưng đã bỏ về quê và tuyên bố với tôi là sẽ về quê hương bản quán lần cuối cùng để chết vì tình thế này thì không thể nào sống được, đói khổ và cơ cực quá rồi. Nhưng tôi không bỏ dở công việc chừng nào tôi còn tồn tại, ý nghĩ đó như một ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho tôi.

 

Tôi vẫn tiếp tục kiếm sống bằng tất cả mọi nghề. Trong đám học trò cũng có nhiều người thương tôi nhưng không ai dám đi cùng đường với tôi. Dạo này ngoài giờ lên lớp, tôi không nghĩ tôi là thầy, chỉ nghĩ mình phải kiếm ra tiền, càng nhiều càng tốt, càng nhiều thì sự nghiệp cải tiến của tôi càng mau chóng có kết quả. Trong những ngày tháng kiếm ăn ấy, thật lắm chuyện mà bây giờ nghĩ lại, tôi vừa thấy nực cười, lại thấy chua xót. Ấy là chuyện có một lần tôi đánh cá trên sông Đà bị công an xã bắt vì không mang theo giấy tờ tùy thân. Thật hết sức vô lý nhưng lúc ấy tôi đâu có hiểu rằng bọn họ bắt tôi chỉ vì tấm lưới đánh cá của tôi. Họ ép tôi phải bán cho họ cả hai tấm mà sự thực tôi phải bán mất một tấm rồi. Không vừa ý, họ giam tôi mấy ngày rồi thả.

 

Sau chuyện này Trần Bá Ti càng có cớ để nói xấu và gây khó khăn thêm cho tôi. Anh ta đã tuyên truyền là tôi đi đánh cá trộm bị bắt (đánh cá trên sông thì cũng được quyền, chúng bắt tôi vì tôi không mang theo giấy tờ). Thế là mâu thuẫn giữa tôi và Ti ngày càng trầm trọng. Ti trù ám tôi ra mặt, luôn mồm dọa cắt lương tôi, sự thực là anh ta đã làm. Tôi chẳng có “tội” tình gì, chỉ phải tính ngang bướng, thấy gì chướng tai gai mắt là lên tiếng. Anh em quần chúng uất ức tìm đến tôi, họ không dám đấu tranh nên nhờ tôi. Tôi chẳng nề hà gì… thẳng thắn ủng hộ, bảo vệ họ. Thế là Ti không sao chịu được. Ti không có học hành, bằng cấp gì lại quản lý một cán bộ có bằng âm nhạc như tôi (Hồi đó, tốt nghiệp trung cấp sáng tác nhạc đã là quý lắm vì chưa có hệ đại học) nên luôn có mặc cảm là tôi tự phụ; anh ta bị coi thường. Sự thực là tôi cũng chẳng để ý chấp nhặt anh ta làm gì. Tôi chỉ muốn bênh vực lẽ phải và điều quan trọng thu hút mọi tâm trí tôi là sự nghiệp cải tiến tôi đang theo đuổi. Với tôi, Ti là một cán bộ quản lý giống như bất cứ kẻ quản lý hẹp hòi, thiển cẩn nào. Tôi không thù oán Ti. Ngược lại anh ta cho rằng tôi lôi kéo quần chúng để chống lại anh ta. Sự việc hết sức trầm trọng xảy ra vào dịp Tết năm 1973. Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy bàng hoàng và rùng mình vì lại một lần nữa tôi hút chết.

 

- “Chuyện giữa tôi và Trần Bá Ti khá căng thẳng. Ti đã quyết định cắt lương tôi. Tôi nói với Ti bằng một giọng cũng chẳng hay ho gì:

 

- “Anh cắt lương tôi ngày hôm trước (cắt lâu dài) thì ngay ngày hôm sau tôi sẽ cắt cổ anh”.

 

- Và cái nút đã được thắ vào ngày hôm mùng một Tết năm 1973. Sáng hôm đó, Ti cho hai đứa con gái sang chúc Tết nhà tôi và mời tôi trở lại nhà ông ta vào buổi chiều. Phụ nữ vốn nhạy cảm. Vợ tôi nhận định: đây là điều không bình thường, không lẽ bỗng nhiên Ti là thủ trưởng lại cho con sang chúc tết nhà Tạ Thâm đúng sáng mùng 1 tết? Phải chăng Ti định giở trò gì đây? Vợ tôi phân tích cho tôi nghe rồi phán đoán nhiều khả năng xảy ra. Cuối cùng bà ấy khuyên tôi không nên sang nhà Ti vì sẽ gặp nhiều điều phiền hà khó lường trước, thậm chí không loại trừ khả năng án mạng. Nghe lời vợ, buổi chiều tôi đi chúc tết nhiều gia đình khác không vào nhà Ti. Tưởng chuyện thế là xong, ai ngờ đến 22 giờ hôm đó, gia đình tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì Ti xuất hiện ở cửa. Linh tính báo cho chúng tôi biết chuyện chẳng lành. Nhưng ông ta đã vào nhà, phải ra bàn tiếp chuyện chứ làm sao!

 

- Tôi đã cho các con tôi sang ông từ sáng, hẹn chiều ông sang chơi. Vậy mà ông đi qua không thèm vào nhà tôi – Mở đầu câu chuyện, Ti đã nói như vậy, nét mặt ông ta cố giữ vẻ bình thường nhưng giọng nói pha vị hằn học. Tôi không nhớ rõ lúc ấy tôi trả lời Ti ra sao, chỉ biết ngay sau đó, Ti hất hàm hỏi tôi:

 

- Thế nào, hồi này ông còn cải tiến nhạc cụ nữa hay thôi?

 

Thay cho câu trả lời, tôi chỉ lên bàn thờ nhà tôi từ lâu vẫn treo khẩu hiệu với dòng chữ trang trọng: Tất cả vì nền nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Ti ngước lên nhìn bàn thờ, chắc chắn phải nhìn thấy một hàng chữ thứ hai ở ngay dưới đó: Bảo thủ, lạc hậu là kẻ thù của khoa học. Và Ti đã chạnh lòng, vì kẻ bảo thủ, lạc hậu nhất trường lúc đó không ai ngoài ông ta. Nét mặt tỉnh bơ, lạnh lùng, bình thản, thay cho lời nói Ti từ từ rút trong túi một khẩu súng lục đen ngòm chĩa thẳng vào mặt tôi. Đoạn, ông ta dõng dạc tuyên bố:

 

-      Tôi tới đây có nhiệm vụ, một là để bắn ông, hai là để ông bắn tôi!

 

Mặt Ti tím dần. Tôi không có ý nghĩ ông ta hăm dọa gì tôi, mà đối chiếu với không khí và tình huống căng thẳng cụ thể của mối quan hệ hai người lúc bấy giờ, tôi cho rằng ông ta đã mượn chén rượu ngày xuân để sang cảnh báo tôi, rất có thể là chỉ gây cho tôi bị thương nhẹ. Ti sử dụng súng rất tồi, bằng chứng là là một ngón tay cụt của ông ta do bắn súng không quen, để cướp cò lần nào đó nhưng cũng đủ kiến cho tôi lo ngại, vì khẩu súng đã chĩa thẳng vào tôi, ngón tay ông ta đã đặt vào cò, ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tôi lại đang ngồi ở vị trí khó cựa quậy. Chỉ cần có biểu hiện chống đối, Ti không ngần ngại gì mà không nổ súng. Tính cách ông ta tôi biết: lầm lì nhưng cục, hay nổi khùng và sẵn sàng liều mạng, bất cần. Chẳng giấu giếm gì, lúc đó tôi rất sợ cuộc đổ máu. Tôi cố gắng bình tĩnh tựa lời nói khéo, đấu dịu với mục đích vừa nói vừa xoay chuyển tư thế ngồi sao cho thuận tiện nhất để có thể cướp được khẩu súng. Quả nhiên; có lẽ do một sức mạnh phòng thân bản năng, tôi đã khỏe và nhanh hơn Ti. Sau câu nói rất nhún mình ôn hòa, nhanh như cắt, tôi lao bàn tay vào cổ tay Ti, bóp chặt, hất ngược nòng súng lên trần nhà. Sau vài phút giằng co. Ti yếu hơn nên phải rời tay khỏi khẩu súng. Lập tức tôi nhặt đưa cho vợ tôi mang đi nộp cho Lê Khánh Tể lúc ấy là bí thư chi bộ, trưởng phòng tổ chức. Khi xét khẩu súng, mọi người đều thấy có 3 viên đạn trong đó, có 1 viên đã lên nòng.

 

Sau vụ trên, Ti chỉ bị cảnh cáo trước Bộ Văn hóa, vì tôi, với tư cách là nạn nhân bị đe dọa đã không đề nghị truy tố hình sự tôi của Ti.

 

Nhạc cụ truyền thống cao cấp TẠ THÂM Nhạc cụ truyền thống cao cấp TẠ THÂM
8/10 140 bình chọn
Quick comment
  Nhạc cụ Tạ Thâm

Chào bạn Lan! Hiện tại Nhạc cụ Tạ Thâm chưa có chi nhánh ở Sài Gòn, nhưng nếu bạn muốn mua móng đồi mồi đàn tranh thì Tạ Thâm sẽ gửi cho bạn qua EMS bưu điện. Bạn vui lòng để lại số điện thoại hoặc gọi đến số (04)3.928.6059 để được tư vấn trực tiếp nhé! Cảm ơn bạn!

  LAN

muốn mua bộ móng đồi mồi đàn tranh của tạ thâm . Xin cho biết cửa hàng mình có chi nhánh ở sài gòn không ? cám ơn ( hiện mình đang sống tại saigon ).

  Nhạc cụ Tạ Thâm

Chào bạn Vũ Minh Khôi. Bạn vui lòng để lại số điện thoại để Nhạc cụ Tạ Thâm tư vấn cụ thể cho bạn nhé! Hoặc bạn gọi số điện thoại sau để được tư vấn trực tiếp: (04)3.928.6059. Cảm ơn bạn!

  Nhạc cụ Tạ Thâm

Chào bạn Nguyễn Nam! Bạn vui lòng để lại số điện thoại hoặc liên hệ số điện thoại để được Tạ Thâm tư vấn trực tiếp: (04)3.928.6059. Cảm ơn bạn!

  Vũ minh khôi

Chào a tôi muốn mua một bộ đàn đá để về chưng bay ở quán cfe và một số nhạc cụ của các dân tộc trên cả nước và nhờ a tư vấn giúp và bán các sản phẩm nhạc cụ cho e .trân trọng.

  Nguyễn Nam

Chào anh (chị) cho em hỏi là học đánh đàn tranh nên bắt đầu từ đâuvà có những cơ sở nào dạy đánh đàn tranh uy tín ở miền Bắc không ạ!!!Em xin cảm ơn!!!!

  Nhạc cụ Tạ Thâm

Chào bạn Nguyễn Ngọc! Bạn vui lòng để lại số điện thoại để Nhạc cụ Tạ Thâm tư vấn cụ thể cho bạn nhé! Hoặc bạn gọi số điện thoại sau để được tư vấn trực tiếp: (04)3.928.6059. Cảm ơn bạn!

  Nhạc cụ Tạ Thâm

Chào bạn Quyền! Đàn nguyệt giá thấp nhất của Nhạc cụ TẠ THÂM là cây NM1 có giá 2.800.000VND. Đàn nguyệt TẠ THÂM là những cây đàn có thể phục vụ biểu diễn chuyên nghiệp và đều được làm bằng gỗ nguyên miếng! Mỗi cây đàn đều được bảo hành 1 năm và bảo trì trọn đời, nên bạn yên tâm về chất lượng nhé! Nhạc cụ TẠ THÂM còn có các mẫu đàn nguyệt khác, mời bạn tham khảo tại website:http://tatham.vn/dan-nguyet-c136.html. Bạn vui lòng gọi số điện thoại sau để được tư vấn trực tiếp nhé: (04)3.928.6059. Cảm ơn bạn!

  Nguyễn Ngọc

Xin hỏi shop một bộ phụ kiện đàn bầu gồm: cần đàn loại đẹp, mobin loại tốt, khóa lên dây loại tốt là bao nhiêu tiền bao gồm cả ship? Mình ở Hạ long Quảng ninh.

  quyền

cho minh hỏi đàn nguyệt của mình rẻ nhất là loại 2 triệu 8 ah. có còn loại nào khac ko add, mình mới tập nên muốn mua một chiếc, chỉ biết bên mình là hàng uy tín và chất lượng .xin cảm ơn

Xem thêm
Tên Email Nội dung
facebook like fanpage