Với tất cả tình yêu và sự tâm huyết của mình, Nhạc cụ truyền thống cao cấp Tạ Thâm đã và đang nỗ lực hết mình để góp phần nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. TẠ THÂM nghiên cứu và chế tác những nhạc cụ truyền thống cao cấp, mang nó đến gần hơn với người Việt và bạn bè quốc tế với mong muốn các bạn cảm nhận và trân quý giá trị của các nhạc cụ trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt Nam.
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phát triển từ hệ thống bát âm của Trung Hoa. Bát âm là tám loại âm thanh căn bản phát ra từ tám loại vật liệu khác nhau. Tám loại vật liệu của bát âm gồm: bào (tiếng kèn từ các ống tre và còi từ các trái bầu), thổ (tiếng nhạc khí làm bằng đất gồm có chậu sành và trống đất), cách (tiếng trống da), mộc (tiếng nhạc khí làm bằng gỗ, gồm có mõ và phách), thạch (tiếng khánh bằng đá), kim (tiếng nhạc khí làm bằng kim loại như chiêng, chuông), ti (tiếng nhạc khí có dây, như đàn đáy, đàn tỳ bà), và trúc (tiếng sáo trúc và tiêu).
Tuy nhiên, việc sắp xếp nhạc khí theo hệ thống bát âm khá phức tạp, chẳng hạn như âm kim có thể bao gồm nhiều loại nhạc khí đa dạng nhiều loại nhạc khí đa dạng như chuông, chiêng, trống đồng, dương cầm và kèn dăm. Có thể sắp xếp các loại nhạc khí của âm nhạc cổ truyền Việt Nam theo 3 nhóm chính dựa theo cách chơi như sau:
1. Nhóm nhạc khí gõ:
- Chập chõa: còn gọi là não bạt, gồm 2 đĩa bằng đồng như nắp vung. Khi chơi, nhạc công sử dụng hai tay chập hai đĩa vào nhau.
- Chiêng: còn gọi là đồng la hoặc lệnh, gồm một đĩa bằng đồng có dạng như khuôn đúc bánh. Khi chơi, nhạc công treo chiêng vào khung và dùng dùi đánh vào đĩa
- Chuông đại hồng: có kích thước to, âm thanh vang vọng, được sử dụng tại các chùa trong sinh hoạt cúng lễ và lắng tâm hằng ngày. Tại nước ta, một số chuông đại hồng có chiều cao vài thước bà nặng hàng nghìn kilogram. Theo nhà nghiên cứu Thái Văn Khiểm, cho biết tháng Tư năm canh dần (1710), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một chuông đại hồng có kịch thước khá to tại chùa Thiên Mụ, nặng khoảng 2.052kg. Để lưu danh hậu thế, chúa đích thân làm một bài văn để nghệ nhân khắc vào chuông.
- Dàn biên chung: gồm 12 cái bằng đồng, treo thành hai hàng vào một dàn bằng gỗ, gốc tích từ Trung Hoa, sử dụng cho âm nhạc triều đình. Thông thường, nhạc khí này đòi hỏi phải có hai nhạc công để trình diễn.
- Đàn T’rưng: được làm bằng nhiều ống tre dài, ngắn khác nhau. Những ống tre này được kết lại bằng dây và trải ra như dạng võng. Đàn T’rưng có năm thang âm. Khi chơi, nhạc công dùng que gảy gõ lên các ống tre. Trong một số trường hợp, đàn T’rưng được điều khiển bởi hai nhạc công, một người đánh các nốt trầm bổng trong khi người thứ hai chuyên đánh đệm.
- Khánh: bằng đá, thường được tạc theo hình con dơi. Dùi đánh thường là thanh sắt tròn. Một trong những nhạc khí căn bản của âm nhạc Phật giáo và Lão giáo thời xưa.
- Mõ: Một nhạc khí chính của âm nhạc Phật giáo, làm bằng gỗ, bên ngoài khắc hình con cá, khoét rỗng bên trong để khi gõ tạo ra âm thanh trầm vọng. Mõ loại này được dùng để đệm cho việc tụng kinh trong âm nhạc Phật giáo.
- Mõ song lan: bằng gỗ, mặt tròn như cái đĩa, có chuôi để cầm, bên hông có khoét một lỗ hổng như cái mõ. Khi chơi, nhạc công sử dụng một dùi có chuôi cầm, đánh vào mặt đĩa gỗ phát ra tiếng kêu như tiếng mõ, dùng trong việc giữ nhịp nhạc. Mõ song lan còn được đặt dưới bàn chân để dậm nhịp.
- Mõ sừng trâu: làm từ đoạn cong của sừng trâu (dài khoảng 12 phân), một nhạc khí thông dụng của các bộ tộc thiểu số vùng Trường Sơn. Mõ sừng trâu được sử dụng cho lối hát tuồng, tế lễ và hòa tấu của triều đình.
Chùm Mõ là một trong 5 công trình nghiên cứu của nghệ sỹ Tạ Thâm đã nhận được giải thưởng của Bộ Văn Hóa trong cuộc trong hội nghị báo cáo những phát minh, cải tiến nhạc cụ dân tộc do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức.
Sau nhiều năm dày công sưu tầm, nghiên cứu về các loại mõ, nghệ sĩ Tạ Thâm đã sáng chế ra chùm mõ, một nhạc cụ mới đặc sắc trong dàn nhạc dân tộc Việt.
Mõ của Nhạc cụ truyền thống cao cấp TẠ THÂM gồm 2 loại: Chùm mõ chim và dàn mõ. Mõ của TẠ THÂM được các nghệ sỹ yêu mến và lựa chọn trong những buổi biểu diễn chuyên nghiệp.
- Phách: Còn gọi là “sinh tiền”, “sênh tiền” hoặc “sinh”. Một nhạc cụ gồm có hai mảnh bằng gỗ. Một mảnh hình chữ nhật dài khoảng 1 gang tay, có đóng một số đinh, mỗi đinh xâu 5 đồng tiền xưa quan lỗ ở giữa. Khi chơi, nhạc công dùng mảnh gỗ kia gõ vào mảnh gỗ có các đồng tiền, ăn nhịp với khúc nhạc. Phách là nhạc khí mà ả đào thường đánh đệm khi hát.
- Trống bồng: là nhạc khí màng rung vỗ (một mặt) phổ biến tại Việt Nam, chỉ một mặt trống được bịt bằng da trăn, tang trống dài bằng gỗ, giữa tang trống thắt lại, sử dụng trong hát chèo và hát tuồng, lễ hội và đại nhạc. Khi chơi trống bồng, nhạc công thường kết hợp với múa. Âm thanh trống bồng đục và ít vang.
- Trống bát nhã: kích thước lớn, âm thanh vang dội, được sử dụng trong việc hòa tấu tại các chùa.
- Trống bộc: là nhạc khí màng rung gõ do người Việt Nam sáng tạo, là loại trống chỉ bịt da một mặt, đường kính khoảng 10cm, đáy rộng hơn đường kính khoảng 15cm không bịt da. Tang trống bằng gỗ cao khoảng 6cm.
- Trống cơm: có tên như vậy vì trước khi chơi, nhạc công dùng cơm nóng nghiền nhuyễn gắn vào mặt trống để tạo âm trầm bổng. Nhạc khí này được sử dụng cho hát chèo và lễ lạc. Trống cơm có thể được du nhập từ Chiêm Thành từ thời nhà Trần.
- Trống Chiến: là nhạc khí màng rung gõ của dân tộc Việt, trống Chiến còn gọi là trống Trận dùng để chấm câu nói lối hoặc mở đầu những câu hát khách, hát nam hay đánh những điệu đâm bang xuất trận trong hát Bội. Nghệ thuật hát Tuồng (hát Bội) ra đời từ bao đời trước thì Trống Chiến cũng đã xuất hiện cùng thời gian đó.
- Trống bát câu: dùng cho các loại hát Tuồng và hát Bội.
- Trống Chầu: là nhạc khí mang rung gõ không định âm của dân tộc Việt và nhiều dân tộc Việt Nam. Trống Chầu còn được gọi là trống Đại cổ, được sử dụng để mở màn một xuất hát trong điệu khai tràng của hát Bội, hoặc thi vỡ nước của hát Chèo. Trống Chầu cũng dùng để thưởng cho những câu hát êm tai, điệu múa đẹp mắt hoặc cách diễn nhập thần.
- Trống đồng: một nhạc khí cổ xuất hiện trên một khu vực dài hơn 8 ngàn cây số, trải từ một số đảo ở Nam Dương qua Mã Lai, dọc vùng Trường Sơn và lưu vực sông Mã, Việt Nam và đến tận một số tỉnh miền Nam Trung Hoa như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Qúy Châu, Tứ Xuyên và Chiết Giang. Trống đồng có nhiều dạng và kích thước khác nhau. Loại nhiều người biết đến là Đông Sơn, tên của một địa danh ở Thanh Hóa nước ta.
- Trống mảnh một mặt: còn gọi là đan diện cổ, chơi chung với đàn Đáy trong lối hát ả đào. Người Chàm cũng có một loại trống tương tự, tên gọi barinung.
- Trống tầm bông: còn gọi là phong yêu cổ. Một mặt hơi to, giữa thắt lại. KHi đánh tạo ra hai âm trầm bổng khác nhau. Tiếng kêu nhẹ là “tầm”, nặng là “bông”.
- Trúc sinh: tục gọi là đàn khô, hình giống cái thùng vuông, phần trên rộng, phần dưới thắt lại. Trên mặt thùng có các miếng tre già đóng song song. Lúc chơi, nhạc công dùng hai dùi gõ nhịp trên các thanh tre, tạo ra tiếng kêu lắc cắc giòn giã.
- Dương cầm: có nguồn gốc từ Trung Hoa, gồm 42 dây bằng đồng, có lối bố trí như đàn Tranh, riêng mặt đàn thì phẳng. Tuy có cấu trúc của các đàn có dây, dương cầm được xếp vào nhóm nhạc khí gõ vì khi chơi, nhạc công sử dụng hai cái vồ bằng kim loại có tay cầm uyển chuyển, đánh vào các dây bằng đồng.
Xem thêm các loại đàn về Nhạc cụ dây
Danh mục tin
Tin khác
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum