Người H’Mông còn gọi là người Miêu hay Mèo, ngôn ngữ thuộc nhánh Miêu – Dao, hệ Hán – Tạng. Tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, người H’Mông có hai nhánh là H’Mông trắng và H’Mông hoa. Người H’Mông ở đây có các họ Vừ, Hạ Mùa, Xùng, Lầu, Và, Cự, Tra, Thò, Giàng, Dành và Kha. Các dòng họ sống đoàn kết và hợp quần bên nhau thành bản làng. Họ bảo tồn được nhiều vốn văn hóa truyền thống, từ kiến trúc nhà ở tới phong tục tang ma, cưới hỏi, lễ hội và trang phục. Tại tỉnh Nghệ An có khoảng 28.734 người H’Mông chiếm gần 7% số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và chiếm gần 1% dân số toàn tỉnh.
Bài viết hôm nay TẠ THÂM xin đưa các bạn đến vùng đất Nghệ An để hiểu được các loại nhạc cụ được người H’Mông sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đình Lâm.
Tra kênh (khèn bè) là một nhạc cụ hơi thổi, dùng trong tang ma và một số sinh hoạt giải trí khác. Nhạc cụ chỉ do nam giới sử dụng.
Tra kênh được cấu tạo từ 6 ống nứa kích thước không đều nhau sắp xếp thành hai hàng. Hai ống đầu tiên có chiều dài và cả kích cỡ khác nhau. Ống bên trái dài khoảng 55cm, đường kính 4cm; ống thứ hai dài khoảng 85cm, đường kích 3cm; ống thứ ba dài khoảng 80cm, đường kính khoảng 2,7cm; ống thứ tư dài khoảng 72cm, đường kính tương đương ống thứ ba; ống thứ năm dài khoảng 65cm, đường kính 2,5cm; ống thứ sáu dài 54cm, đường kính tương đương ống thứ năm. Số đo này không được thống nhất cố định, những chiếc khèn ngay trong một bản cũng có kích cỡ và số đo các ống khác nhau. 6 ống được gắn lưỡi gà bằng kim loại đồng, cùng được đặt trong một bầu thân khèn. Trên mỗi ống có một lỗ bấm cao độ, 6 ống cho ra sáu cao độ khác nhau. Thân khèn được làm từ gỗ thông. Âm thanh của nhạc cụ này nghe vang, rền, khá độc đáo.
Nét độc đáo trong diễn tấu tra kênh là người ta vừa thổi khèn vừa nhảy. Vì thế, trong các lễ hội truyền thống các chàng trai thường hay được các cô gái chú ý khi tham gia trình tấu nhạc cụ này. Để trình diễn hay, người ta dành rất nhiều thời gian để tập luyện những bài khèn và múa khèn nhằm khẳng định mình mỗi khi diễn tấu trước mặt người khác, nhất là những chàng trai chưa có vợ. Ngày nay, nhạc cụ này còn được dùng để đệm cho những bài hát dân ca hay trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng của đồng bào.
Trà plải là một loại sáo ngang, được chế tác từ một doạn nứa già, khô có đường kính khoảng 2 đến 2,5cm, dài trung bình 50 đến 55cm, gắn lưỡi gà bằng kim loại đồng. Nhạc cụ này có 5 lỗ bấm cao độ, bịt các lỗ lại và nhả dần ra cho tới hết được 6 âm: d1-e1-f1-g1-a1-h1. Trà plải thường do nam giới độc tấu hoặc dùng để đệm cho hát trong những dịp vui của dân làng. Âm thanh của nhạc cụ này nghe trầm, ấm, sâu và vang.
Lìa dầu là một loại sáo dọc, được chế tác từ thân cây nứa có đường kính khoảng 2cm, chiều dài khoảng 55 đến 60cm. Nhạc cụ có cấu tạo 6 lỗ bấm cao độ, mỗi lỗ cách nhau khoảng 2,5cm. Lìa dầu thường do nam giới sử dụng sau những giờ làm việc mệt nhọc hoặc trong các dịp hội vui của bản làng với mục đích giải trí. Ngoài độc tấu, nhạc cụ ngày còn dùng để đệm cho hát. Âm thanh của lìa dầu nghe không sâu và vang như trà plải nhưng tạo ra những đặc sắc riêng bởi những chuỗi âm lúc đục lúc trong khi diễn tấu những điệu Cứ xia, Lù tẩu.
Trà đà (đàn môi) là nhạc cụ tự thân vang, được cộng hưởng bởi khoang miệng, do nam giới sử dụng vào mục đích giải trí, trong sinh hoạt hàng ngày. Nhạc cụ này được chế tác bằng một mảnh kim loại đồng dát mỏng dần, phía trước cắt hình bầu dục, ở giữa cắt một lam dạng lưỡi gà hình tam giác. Đàn có chiều dài trung bình khoảng 14cm, chỗ rộng nhất khoảng 1,5cm. Đầu đàn xâu một sợi dây nhỏ để giữ đàn không rơi khi diễn tấu. Chiếc đàn được đưa vào hai môi, ngón tay cái và tay trỏ cầm đuôi đàn, ngón tay cái của bàn tay bên kia sẽ bật nhẹ vào đầu đàn, thân đàn rung và vang lên phát ra âm thanh cùng với những bồi âm nghe rất độc đáo. Âm thanh thực của đàn môi nghe nhỏ nhưng khá sâu. Cao độ phụ thuộc vào sự điều khiển khoang miệng của người diễn tấu.
Trà kò (nhị) là nhạc cụ dây, chi cung kéo. Trà kò chủ yếu do nam giới sử dụng trong sinh hoạt giải trí, không dùng trong tang ma và lễ thức tín ngưỡng khác. Thân đàn được làm bằng thanh gỗ, có đường kính trung bình khoảng 2cm, chiều dài thân khoảng 60cm. Trên đầu thân đàn có hai trục đàn. Bầu cộng hưởng được làm từ ống nứa già để khô, đường kính khoảng 13cm, dài 18cm. Một mặt được bưng một miếng da trăn, trên đó đặt một thanh tre nhỏ làm ngựa đàn cho hai dây đi qua. Mặt còn lại để thoát âm, không bưng. Đàn có hai dây kim loại thép, bắt từ trục đàn đi qua bầu cộng hưởng và chốt cố định ở phần cuối thân đàn. Cao độ hai dây đàn cách nhau một quãng bốn đúng. Cung kéo trà kò có chiều dài tương đương chiều dài của thân đàn. Dây cung trước đây được làm bằng lông đuôi ngựa hoặc ni lông. Bài bản mà trà kò chơi là những bài lấy từ âm điệu của hát Cứ xia và Lù tẩu.