Hát Chầu văn có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo GS.Ngô Đức Thịnh – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, thời kỳ thịnh vượng nhất của nghi lễ Chầu văn là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu – tín ngưỡng Tứ phủ). Hát Chầu văn thể hiện khát vọng cao cả của con người hướng tới cái cao đẹp hơn, đó chính là nét cao quý và tinh túy nhất của Chầu văn. Yếu tố tâm linh thể hiện trong hát Văn ở nhiều mặt, không gian tâm linh, tâm linh trong gia đình, cá nhân, cộng đồng, ma chay, cưới xin.
Theo Nhạc sỹ Thao Giang – PGĐ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, những cái chúng ta nhìn thấy chỉ là hữu hình, cái vô hình là những điều ăn sâu trong tâm hồn chúng ta như việc nhớ về tổ tiên, ông bà…Tất cả trở thành nét đẹp văn hóa và đi vào hát Chầu văn. Chầu văn chứa đựng tất cả các giá trị nghệ thuật: âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật trình diễn, trang phục, vũ đạo…Chúng ta đến với nghi lễ Chầu văn để thờ thần Mẹ, thờ đạo Mẫu, thần Lúa gạo, thần Mặt trăng,…tất cả biểu hiện sự mát lành, trong trắng, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Trong nghi lễ Chầu văn của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Về giá trị văn hóa, nghi lễ Chầu văn là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hóa dân gian khác nhau như: âm nhạc ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật tràn trí, kiến trúc, ẩm thực,…trong một thể thống nhất hữu cơ hoàn chỉnh trong đó yếu tố “sân khấu” kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như “uống nước nhớ nguồn”, vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hóa mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại. Vì vậy, nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người nhất là những người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.
Hát Chầu văn có nhiều hình thức khác nhau gồm: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu, hát thi. Nhịp điệu và tiết tấu có chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả…và âm hưởng của Ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà…cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát Chầu văn.
Các nhạc cụ truyền thống thường được sử dụng trong nghi lễ Chầu văn:
Đàn Nguyệt là nhạc khí dây gảy của dân tộc Việt còn gọi là đàn Kìm, đàn Vọng nguyệt cầm hoặc Quân tử cầm vì mặt đàn hình tròn như mặt trăng rằm nên gọi là đàn Nguyệt. Đàn Nguyệt với nhiều ngón kỹ thuật độc đáo như nhấn, luyến, vê…có nhiều khả năng độc tấu và hòa tấu. Đàn Nguyệt rất phổ biến từ Bắc đến Nam, dễ dàng sử dụng và hợp với tiếng nói của dân tộc.
Đàn Nguyệt là nhạc khí dây gảy loại có dọc (cần đàn) khác với đàn Nguyệt của Trung Quốc, đàn Nguyệt Việt Nam có dọc đàn dài hơn và hàng phím cao. Đàn Nguyệt có 8 phím, sau này gắn thêm 2 phím là 10 phím theo hệ thống âm nhạc ngũ cung.
- Trống Ban: còn được gọi là trống Con, là nhạc khí màng rung gõ do người Việt Nam sáng tạo. Trống Ban là loại trống nhỏ, hai mặt được bịt da, đường kính khoảng 26cm, tang trống khoảng 26cm.
- Phách:
Phách là nhạc khí tự thân vang của dân tộc Việt, có nhiều loại phách khác nhau được sử dụng trong các thể loại Ca, Múa, Nhạc.
- Tiu Cảnh:
Tiu cảnh là nhạc khí tự thân vang gõ do người Việt Nam chế tác. Tiu cảnh gồm hai chiếc Thanh la cỡ nhỏ làm bằng đồng thau, đường kính khoảng 10cm, một chiếc thành thấp, một chiếc thành cao, với hai âm thanh cao thấp với màu âm thánh thót, âm vang.
- Thanh la:
Thanh la là nhạc khí tự thân vang của dân tộc Việt, được làm bằng hợp kim đồng thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh la có hình dáng như chiếc Cồng, Chiêng không có núm, mặt hơi phồng, có thành cạnh và không định âm. Cạnh Thanh la có dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính từ 15cm đến 25cm, dùi gõ Thanh la làm bằng gỗ hoặc tre tiện tròn, dài khoảng 20cm.
Ngoài ra còn sử dụng các nhạc cụ khác như:
- Trống Cái:
Trống Cái là nhạc khí màng rung gõ do người Việt sáng tạo. Trống Cái được chế tác bằng gỗ có đường kính lớn, được bịt da hai mặt, đường kính khoảng 40cm, 60cm đến dưới 1m. Tang trống cao khoảng 50cm, có 2 đai, có móc treo, mặt trống bằng da trâu hoặc da bò.
- Sáo: là nhạc khí hơi được làm bằng ống trúc hoặc ống nứa già. Sáo có 1 huyệt thổi hình bầu dục được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
- Đàn Tranh:
Đàn Tranh là nhạc khí dây gảy loại không có dọc (cần đàn), đàn Tranh rất phổ biến tại Việt Nam và một số nước Châu Á. Đàn Tranh được gia nhập vào Việt Nam và trở thành một nhạc khí trong hệ nhạc khí dân tộc, có nhiều tác giả cho rằng đàn Tranh được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc với tên gọi ban đầu là cây Zeng.
- Đàn Nhị: là nhạc khí dây kéo (bằng cung vĩ) có ở Việt Nam hàng ngàn năm nay. Đàn Nhị còn có tên gọi là đàn Cò, là nhạc khí phổ biến của dân tộc Việt và nhiều dân tộc khác như dân tộc Mường, Tày, Thái, Giê Triêng, Khmer…
- Kèn Bầu:
Là nhạc khí hơi dăm kép, còn được gọi là kèn Gìa Nam, kèn Loa, kèn Bóp hay kèn Bát. Âm thanh kèn Bầu khỏe, vang, nhạc điệu mạnh thích hợp để thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc.
- Mõ: Mõ là nhạc khí tự thân vang phổ biến tại Việt Nam, mõ thường được làm bằng gỗ với nhiều kích thước và kiểu dáng khác nhau.
Chùm Mõ là một trong 5 công trình nghiên cứu của nghệ sỹ Tạ Thâm đã nhận được giải thưởng của Bộ Văn Hóa trong cuộc trong hội nghị báo cáo những phát minh, cải tiến nhạc cụ dân tộc do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức.
Sau nhiều năm dày công sưu tầm, nghiên cứu về các loại mõ, nghệ sĩ Tạ Thâm đã sáng chế ra chùm mõ, một nhạc cụ mới đặc sắc trong dàn nhạc dân tộc Việt.
Mõ của Nhạc cụ truyền thống cao cấp TẠ THÂM gồm 2 loại: Chùm mõ chim và dàn mõ. Mõ của TẠ THÂM được các nghệ sỹ yêu mến và lựa chọn trong những buổi biểu diễn chuyên nghiệp.
- Đàn Bầu:
Còn gọi là đàn Độc huyền là loại đàn một dây của Dân tộc Việt và một số Dân tộc khác như Mường (Tàn Máng), dân tộc Chăm (Rabap Katoh). Với âm thanh mềm mại, ngọt ngào và sâu lắng đàn Bầu thường đượ sử dụng để độc tấu, đệm cho ngâm thơ, tham gia trong Ban nhạc Tài tử, Ban nhạc Xẩm. Gần đây, đàn Bầu tham gia trong dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp, Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc, Dàn nhạc Sân khấu Chèo, Cải lương. Đặc biệt đã có tác phẩm viết cho Đàn Bầu độc tấu cùng với Dàn nhạc Giao hưởng.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và đang phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ vẫn đang truyền dạy, chỉ bảo tại chỗ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Với vai trò là một nhà sản xuất Nhạc cụ truyền thống chuyên nghiệp, TẠ THÂM mong muốn góp một phần nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát Chầu Văn nói riêng qua việc nghiên cứu và chế tác những Nhạc cụ truyền thống có chất lượng âm thanh đẳng cấp cùng hình thức tinh tế, sang trọng. TẠ THÂM hy vọng nền những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ được nhiều khán giả trong nước và quốc tế quan tâm và yêu mến.
Nguồn tham khảo:
http://dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=648&c=41
Cuốn: “Nhạc khí dân tộc Việt”
.
Danh mục tin
Tin khác
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum