Đồng bào dân tộc Chơ ro còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như Chơ ro, Đơ ro,…thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, là một dân tộc có kho tàng văn hóa dân gian rất sống động. Trong đó, âm nhạc dân gian là một trong những thành tố không thể thiếu, thể hiện được đặc trưng về lịch sử, xã hổi, mang đậm bản sắc địa phương. Hãy cùng TẠ THÂM tìm hiểu những giá trị đặc trưng trong nền âm nhạc dân gian của đồng bào Chơ ro qua bài viết dưới đây nhé!
1. Một số đặc trưng tiêu biểu của âm nhạc dân gian đồng bào Chơ ro
- Dân ca:
Hát dân ca là sinh hoạt văn hóa có tập quán lâu đời, phổ biến ở nhiều vùng dân cư. Đa phần dân ca được nhân dân lao động sáng tạo, biểu diễn trong các sinh hoạt cộng đồng, phục vụ nhu cầu tinh thần của con người. Những làn điệu dân ca được mọi người yêu mến, tiếp nhận, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, dân ca trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị cả về âm nhạc và văn học.
Dân ca Chơ ro bộc lộ những tâm tư, tình cảm của con người một cách mộc mạc, giản dị qua câu hát, câu hò chan chứa tình người với những giai điệu mang âm hưởng đặc sắc, đậm bản sắc dân tộc. Đường nét giai điệu của dân ca Chơ ro tương đối đơn giản, thường lặp đi lặp lại trong toàn bộ bài hát. Nội dung ca từ chính là những gì diễn ra trong sinh hoạt và lao động hàng ngày. Dân ca Chơ ro gồm: hát ru, bài ca sinh hoạt, lao động trong gia đình; bài ca về những mối quan hệ cộng đồng, tình bạn, tình làng, nghĩa xóm; bài ca lao động ngoài trời,…
Hát ru là những lời ca ngọt ngào mà con người được lắng nghe từ khi cất tiếng khóc chào đời. Những bài hát ru Chơ ro mang âm hưởng mộc mạc, gần gũi, chất chứa bao cảm xúc, yêu thương. Ở đó luôn ẩn chứa những lời răn dạy con thơ về cách sống lạc quan, hướng thiện, gắn bó với cỏ cây, núi rừng, đồng thời cũng cảnh báo những mối nguy hiểm luôn rình rập.
Bài ca sinh hoạt, lao động trong gia đình là những bài hát chứa đựng lời nhắn nhủ, khuyên răn, báo tin, kể chuyện, sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Những ca từ trong dân ca mộc mạc mà chứa đựng tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng.
Bài ca về những mối quan hệ cộng đồng, về tình bạn, tình làng, nghĩa xóm thể hiện sự niềm nở, hiếu khách, quý trọng tình bạn của người Chơ ro:
“Đón ông đón bà tới chơi
Nhà tôi vui thật là vui
Ta ước mong sao tình ta
Đẹp như hoa rừng bản ta
Ta ước mong sao tình xóm giềng
Cùng yêu thương như người trong nhà…”
Bên cạnh đó, những bài ca lao động ngoài trời kể lại rõ nhất quá trình lao động như lên nương làm rẫy, vào rừng săn bắn…với niềm tự hào, tinh thần hứng khởi, luôn đầy ắp hy vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Âm nhạc trong lễ hội dân gian:
Yang rừng, yang lúa là lễ hội dân gian tiêu biểu của người Chơ ro. Trong đó, âm nhạc dân gian là bộ phận quan trọng, góp phần điều khiển nghi lễ, đặc biệt, âm thanh của tiếng cồng chiêng luôn ngân vang trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Các nghệ nhân đánh chiêng, cồng là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm, được tập hợp thành một đội, tập luyện bài bản kỹ lưỡng, chuyên phục vụ cho các cuộc lễ lớn. Âm nhạc làm nghi lễ trở nên trang trọng, linh thiêng hơn, nhất là ở ngoài trời, trong đêm thanh vắng. Trong lễ hội, con người tập trung nhảy múa, hát ca theo tiếng nhạc cồng chiêng, tiếng kèn, tiếng sáo…
Trong lễ hội yang lúa, các bài khấn hứa luôn có tiết tấu nhịp nhàng. Lễ cúng diễn ra trong tiếng công chiêng bảy chiếc, đánh theo nhịp, lúc khoan thai, lúc nhộn nhịp. Với người Chơ ro, tiếng nhạc cụ, cồng chiêng có rộn ràng thì ông bà, tổ tiên, các yang mới vui vẻ về dự và chứng giám lễ cúng.
Cồng chiêng là nhạc cụ điển hình của đồng bào Chơ ro, gắn liền với múa. Âm thanh của cồng chiêng mang sắc thái nhịp nhàng, đều đặn. Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, khi tiếng cồng chiêng cất lên, mọi người sẽ bước vào sân để cùng múa hát, giao lưu. Ngoài ra, đồng bào Chơ ro còn có nhiều nhạc cụ độc đáo khác như: kèn bầu (cầm vuột), chiêng đồng, đàn tre, đàn môi, kèn lúa,…
Loại hình nghệ thuật hát, múa, nhạc của người Chơ ro thường được kết hợp trong những lễ hội cộng đồng, lưu truyền bằng phương thức truyền miệng (hát), qua thực hành lễ hội (múa) và trong sinh hoạt thường ngày. Hiện nay, chỉ một số ít người lớn tuổi nhớ những bài hát của dân tộc Chơ ro.
Âm nhạc dân gian luôn song hành cùng cuộc sống của người dân Chơ ro, có giá trị tinh thần lớn, tạo được sự gắn kết cộng đồng. Nhưng thực tế âm nhạc dân gian của dân tộc Chơ ro đang bị mai một nghiêm trọng.
2. Thực trạng vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian
Hiện nay, nhiều gia đình không còn sử dụng ngôn ngữ dân tộc Chơ ro, nhiều em thiếu nhi không hiểu, không nói được tiếng dân tộc mình. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Chơ ro vô cùng khó khăn.
Thế hệ người lớn tuổi còn lưu giữ giá trị âm nhạc dân gian mỗi ngày một ít. Có người đã mang theo cả kho tàng kiến thức về âm nhạc dân gian đi xa, có người đang sống nhưng mỗi ngày một già đi, không còn minh mẫn để truyền dạy cho con cháu.
Bên cạnh đó, âm nhạc dân gian của hầu hết các dân tộc đều đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đứng trước tác động mạnh mẽ của âm nhạc thị trường. Thế hệ trẻ của Chơ ro giờ đây có điều kiện tiếp thu nền văn hóa mới, có thể thuộc lòng và hát nhạc trẻ bằng tiếng Kinh nhưng dân ca thì không chắc. Thậm chí, nhiều người không nhận ra vai trò cũng như những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
3. Biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian
- Để bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian Chơ ro, trước hết cần thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu dân ca, tạo không gian sinh hoạt dân gian thân thiện, gần gũi. Đây sẽ là nơi để người lớn tuổi trao đổi vốn kiến thức văn hóa dân tộc, truyền dạy cho các thế hệ con cháu, tìm tòi lại những bài hát dân ca đang dần bị quên lãng, khuyến khích lớp trẻ, con em đồng bào cùng tham gia.
- Cần giáo dục thường xuyên về lòng tự hào dân tộc ngay từ trong mỗi gia đình. Các cán bộ thôn, bản cần giải thích để người dân nhận biết được tầm quan trọng, giá trị to lớn của ngôn ngữ cũng như văn hóa truyền thống dân tộc.
- Tổ chức các lớp học, sinh hoạt văn nghệ định kỳ để thế hệ đi trước có cơ hội truyền dạy cho các thế hệ sau. Các em có thể tham gia như hoạt động sinh hoạt hè, sau khi đã hoàn thành việc học văn hóa trên lớp.
- Đưa vào chương trình học những nội dung về văn hóa dân gian của dân tộc Chơ ro, truyền dạy cho các em kiến thức cơ bản về văn hóa, âm nhạc, khuyến khích các tài năng trẻ có cơ hội phát huy thế mạnh, tạo điều kiện cho các em tham gia biểu diễn tại nhiều cuộc thi về dân ca. Qua đó, mỗi em nhỏ sẽ có thêm niềm hứng thú và yêu thích âm nhạc dân tộc hơn.
- Cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền dạy chữ viết cho người dân. Khi có chữ viết, việc tiếp cận âm nhạc dân tộc sẽ trở nên dễ dàng hơn; đồng thời, họ có thể tự lưu trữ vốn âm nhạc truyền thống, truyền dạy cho con cháu.
- Ngoài ra, việc gìn giữ, phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống, không gian văn hóa dân tộc cũng rất quan trọng. Bởi âm nhạc trong lễ hội có sức lan tỏa, thấm đượm mạnh mẽ nhất. Phát huy được những giá trị của âm nhạc dân tộc trong các lễ hội còn giúp đẩy mạnh dịch vụ du lịch, quảng bá với du khách những nét đẹp mang tính truyền thống dân gian lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa đã và đang lưu trữ vùng đồng bào dân tộc Chơ ro; khuyến khích những sáng tạo trong việc sáng tác ca khúc, điệu múa dựa trên chất liệu dân gian.
- Đồng thời, việc học hỏi, truyền dạy cách làm và cách chơi nhạc cụ truyền thống cũng là một trong những việc làm cần thiết.
Với những chia sẻ trên, TẠ THÂM hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu hơn về giá trị của âm nhạc dân gian nói chung và âm nhạc dân gian Chơ ro nói riêng. TẠ THÂM mong muốn chúng ta - những người con Việt Nam sẽ cùng nhau góp sức mình vào việc bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Cuốn: “Văn hóa các dân tộc thiểu số”
Web: http://vhnt.org.vn/
Danh mục tin
Tin khác
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum