Theo bài viết của tác giả Đặng Hoành Loan đăng trên Thông báo khoa học – Viện Âm nhạc. Số 22 (tháng 9-12/2007)
Năm 2015, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại. Nội dung bằng công nhận được ghi bằng Anh ngữ:
VIET NAM The space of Gong culture In the central Highland of Viet Nam A Masterpiece of Oral and Intangible Heritage of Humanity |
Đây là niềm tự hào không chỉ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam sống trong và ngoài nước.
Đã gọi là Di sản thì phải có con người sáng tạo ra nó và sở hữu nó trong suốt chiều dài lịch sử. Vậy họ là ai? Họ là đồng bào các dân tộc Xơ-đăng, Rơ-măm, Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Mnông, Giẻ-triêng, Cơ-ho, Mạ, Chu ru hiện đang cư trú ở địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Những sản phẩm sáng tạo của họ bao gồm các lĩnh vực: văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử cộng đồng, văn hóa canh tác nương rẫy,…đặc biệt là văn hóa nghệ thuật với những sáng tạo có giá trị rất cao, trong đó sự sáng tạo lớn nhất là nghệ thuật cồng chiêng có giá trị nổi bật ngang tầm những kiệt tác sáng tạo phi vật thể của nhân loại.
1. Cồng chiêng- nhạc cụ hữu linh
Người Tây Nguyên không chế tác cồng chiêng, họ phải mua cồng chiêng của người Lào và người Kinh. Vậy tại sao họ có thể trở thành chủ nhân của những sáng tạo nghệ thuật này?
Năm 1949 giáo sư Condominas người Pháp có trong tay một số thanh đá kêu do những người làm đường trên địa bàn cư trú của dân tộc Mnông Gar tỉnh Đắc Lắc cung cấp. Ông đã đem chúng về Pháp và cùng nhà nghiên cứu âm nhạc học A.Schaeffner xác định những thanh đá này có phải là các âm của một bộ đàn không? Cuối cùng G.Condominas kết luận đây là các âm của một bộ đàn đá tiền sử.
Lần đầu tiên khảo sát âm nhạc dân gian tại Tây Nguyên năm 1977, chúng tôi đã được chứng kiến “đàn đá nước” (tên chúng tôi tự đặt) tại Kon Tu. Người ta dùng dây rừng chăng ngang dòng suối. Trên đây người ta buộc hai nhóm, mỗi nhóm có hai thanh đá. Nhờ tác động của dòng nước, các thanh đá va vào nhau tạo ra những âm thanh huyền bí.
Vào nhũng năm 1980, Viện Nghiên cứu âm nhạc đã phát hiện nhiều bộ đàn đá nằm rải rác ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Đa.
Năm 2002, chúng tôi lại tiến hành khảo sát âm nhạc dân gian dân tộc Mnông Gar tại tỉnh Đắc lác. Dịp ấy chúng tôi đã được chứng kiến cuộc diễn tấu 3 thanh đá kêu đầy ngẫu hứng của 3 nghệ nhân dân gian Mnông Gar. Âm thanh là của đá, còn tiết tấu, cao độ là của dàn chiêng 3 âm (chiêng Mei, chiêng Suôn, chiêng Kon Pé) dân tộc Mnông Gar. Chúng tôi hỏi nghệ nhân dây là đàn gì, họ nói “Goong Lú”. Vậy đàn đá là tên sau này các nhà nghiên cứu đã gán cho goong lú.
Những cuộc nghiên cứu khảo sát đàn đá cho chúng ta biết rằng các dân tộc ở Tây Nguyên đã có nhạc đàn từ thời tiền sử. Những sáng tạo xa xưa đó là cơ sở cho công cuộc chế tác các nhạc cụ bằng tre, nứa, lá, những nguyên liệu tại chỗ rất gần gũi với đời sống canh tác nương rẫy của người Tây Nguyên. Những cái tên goong Gram, đinh Goong, chính Gram, bơ-lowng-khowng, goong kial dường như có cùng nguồn cội từ dàn goong lú (gọi là dàn vì goong lú gồm nhiều thanh đá kêu có cao độ khác nhau).
Rồi đến một thời điểm nào đó trong tiến trình lịch sử, cái trục giao thương duyên hải miền Trung Việt Nam- Tây Nguyên, Tây Nguyên – Lào không chỉ cung cấp cho Tây Nguyên lương thực, thực phẩm mà còn cung cấp cả cồng chiêng. Câu ca dao miền Nam Trung Bộ đã phản ánh phần nào mối giao thương ấy:
Ai về nhắn với thượng nguồn
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên
Đến nay vẫn chưa có công trình nào nghên cứu chính xác thời điểm lịch sử con đường cồng chiêng, xâm nhập vào Tây Nguyên. Song chắc chắn rằng, tiếng chiêng đồng vang xa hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn trong diễn tấu đã làm cho người Tây Nguyên, chấp nhận nó và coi nó là vật thể cho dàn goong lú thời tiền sử. Từ đấy, chiêng dần dần trở thành nhạc cụ của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Chiêng tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống từ lễ đâm trâu cúng Giàng, lễ bỏ mả, lễ rời buôn cũ lập buôn mới đến lễ cúng bến nước, lễ mừng trẻ sơ sinh, lễ làm nhà mới… Tất cả những lễ thức ấy đều xuất phát từ quan niệm Giàng cai quản mọi vật, Giàng cai quản mọi vật, Giàng có trong mọi vật. Vì thế quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh là quan hệ vạn vật hữu linh (vạn vật có Giàng) và chiêng đồng là của Giàng ban cho. Có thể minh chứng điều này bằng truyền thuyết về chiêng đồng của người Xơ-đăng. Chuyện kể rằng: Vào thờ xửa thời xưa, khi người Xơ-đăng đang sống thanh bình, nương rẫy tốt tươi, lúa bông đầy nhà thì bỗng đâu hàng đàn voi dữ tràn về phá rẫy, phá buôn. Chưa đầy nửa ngày buôn rẫy xác xơ. Theo tiếng gọi của Già làng, con trai Xơ-đăng mang theo lao và tên ná cùng hợp sức tiêu diệt thú dữ. Đánh nhau suốt mấy ngày đêm sức đã tàn, lực đã kiệt mà thú dữ càng lúc càng trở nên hung dữ. Không còn cách nào khác, các chàng trai chỉ còn biết chắp tay cầu xin Giàng phù hộ. Bỗng nhiên trước mắt họ ùn lên một ụ đất, họ đào ụ đất lên và thấy có một vật bằng đồng tròn như ông mặt trời, to bằng bốn người ôm, họ gõ vào vật ấy tiếng trầm vang động núi rừng làm cho bầy voi ngơ ngác. Rồi cứ thế các ụ đất liên tiếp mọc lên, các ụ đất sau đào lên các vật bằng đồng ấy càng nhỏ lại và âm càng cao. Khi đào lên ụ đất cuối cùng, các chàng trai Xơ-đăng đã có trong tay hơn mười chiếc chiêng và khi họ cùng gõ lên thì tiếng trầm nghe như thác đổ, tiếng cao nghe như gió reo. Lũ voi dữ nghe thấy tiếng chiêng đồng hoảng sợ bỏ chạy vào rừng sâu, cây cối bị thú dữ phá nát trở lại xanh tươi. Người Xơ-đăng từ đấy có cuộc sống yên bình.
Câu chuyện như khẳng định cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ bình thường như bao nhạc cụ khác có ở Tây Nguyên, mà còn là nhạc cụ của quyền uy, nhạc cụ linh thiêng do Giàng ban phát. Vì vậy muốn cồng chiêng vang lên trong những ngày lễ hội lớn, nhỏ của buôn làng thì trước hết người ta phải làm lễ xin Giàng ban phép. Bởi cồng chiêng là của Giàng, có linh hồn của Giàng.
Còn tiếp…
Danh mục tin
Bài viết khác
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum